Người biến nước sông thành nước uống
(HNM) - Hai chục năm theo đuổi công trình nghiên cứu lọc nước bẩn thành nước sạch để uống, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) không còn xa lạ trong giới nghiên cứu nói riêng và nhiều người dân nói chung. Họ biết đến ông và khâm phục, nhưng cũng có không ít người tò mò, thậm chí ngờ vực kết quả nghiên cứu...
Hành trình với nước...
Tôi đến Phòng thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vào gần trưa nhưng thấy PGS.TS Trần Hồng Côn vẫn đang cùng nhóm sinh viên miệt mài với những ống hóa chất. Chốc chốc, cuộc trò chuyện lại bị đứt quãng khi đám học trò bất ngờ phát hiện ra điều gì đó hoặc gặp trục trặc trong quá trình pha chế hóa chất, phải nhờ thầy “ứng cứu”.
|
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Khi được hỏi nguồn cơn của dự án "lọc nước sông Tô Lịch để uống" mà nhiều người hay nói mỗi khi nhắc đến ông, PGS.TS Trần Hồng Côn chỉ cười và bảo: Ban đầu chính bản thân cũng không có ý tưởng gì. Thực chất, ý tưởng ấy hình thành trong quá trình nghiên cứu các chất độc hại trong nước, bắt đầu vào năm 1996. Người thầy giáo già chậm rãi nhớ lại: "Khi ấy, tôi cùng các cộng sự được nhờ phân tích các mẫu nước ngầm trong một đề tài nghiên cứu chất lượng nguồn nước ngầm ở vùng ngoại thành Hà Nội. Kết quả phân tích khiến tôi bàng hoàng, lo lắng khi có từ 30% đến 40% số mẫu nhận được có hàm lượng Asen vượt quá chỉ số cho phép là 0,05mg/lít. Là người nghiên cứu về hóa học, tôi biết rõ tác hại của nước khi nhiễm Asen quá mức cho phép. Vì vậy, tôi thấy có trách nhiệm phải thông báo với mọi người về điều này, bởi nếu để người dân dùng lâu ngày sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe".
Tuy nhiên, càng nghĩ, PGS.TS Trần Hồng Côn lại càng lo lắng hơn, vì nếu thông báo cho người dân biết về chất lượng nước không bảo đảm mà không đi kèm với giải pháp xử lý thì sẽ khiến họ thêm hoang mang. Khó khăn nhất lúc đó với thầy và trò là kinh phí. "Đang loay hoay thì rất may là Viện Hóa nước thuộc Quỹ Phát triển tiềm năng của Thụy Sĩ đã đồng ý tài trợ kinh phí để tôi có điều kiện tiến hành khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm Asen của nguồn nước ngầm tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều mẫu nước có mức độ nhiễm Asen vượt quá mức cho phép".
Từ kết quả nghiên cứu, từ năm 1998 đến năm 2000, PGS.TS Trần Hồng Côn đã làm việc miệt mài để xây dựng “bản đồ” hiện trạng nhiễm Asen trong nguồn nước ngầm ở Hà Nội. Ý nghĩ phải tìm cho được giải pháp để lọc sạch các nguyên tố Asen trong nước ngầm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân thôi thúc người thầy giáo già quyết tâm hơn trong nghiên cứu. Đến năm 2001, báo cáo thực trạng ô nhiễm Asen trong nước ngầm trên địa bàn Hà Nội và giải pháp xử lý đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và Tạp chí Khoa học công nghệ và môi trường của Mỹ.
Tưởng chừng khi đã tìm được cách xử lý Asen thì chất lượng nước sẽ bảo đảm an toàn, nhưng trong quá trình nghiên cứu, PGS.TS Trần Hồng Côn tiếp tục đối mặt với những khó khăn mới. Đó là khi ông phát hiện ra, ngoài Asen, trong nước còn có các kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ độc hại và cả vi khuẩn, nếu hằng ngày đưa vào cơ thể con người sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Lần lượt, hàng nghìn vật liệu đã được ông và các cộng sự tìm kiếm, chọn lọc, thử nghiệm trong các công trình nghiên cứu với mong muốn đem đến cho người dân một nguồn nước an toàn cho sức khỏe. Niềm đam mê với nước từ đó mỗi ngày một tăng…
Giúp đỡ người dân vùng có nước bị ô nhiễm
PGS.TS Trần Hồng Côn nhớ lại: "Năm 2004, cũng vào dịp chuẩn bị nghỉ lễ 30-4 như thời điểm này, tôi đã có cơ may tìm được lời giải cho bài toán khó suốt bấy lâu. Đó là khi tôi cùng Đoàn thanh niên Khoa Hóa học của trường đi tham quan Khu di tích K9 (huyện Ba Vì, Hà Nội). Sau khi đã thấm mệt, khát nước, mà khi đó nước đóng chai không sẵn như bây giờ, tôi thử uống nước tại một giếng khơi trong khuôn viên di tích thấy rất ngọt và mát. Tôi hỏi người dân được biết ở đây họ vẫn thường xuyên uống nước giếng khơi như vậy. Họ cho biết, nếu đào giếng vào tầng đá ong thì nước sẽ rất sạch, không có mùi. Ngay khi đó, tôi nảy ra ý tưởng và xin một tảng đá ong về phòng thí nghiệm của trường để nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu từ đá ong đã giải quyết cơ bản những vấn đề còn tồn tại của nước".
Năm 2009, PGS.TS Trần Hồng Côn triển khai đề tài nghiên cứu trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc tạo ra thiết bị lọc nguồn nước sinh hoạt trở thành nước uống trực tiếp bảo đảm an toàn mà không cần đun nấu. Bộ sản phẩm thí nghiệm đầu tiên ra đời từ đó. Ban đầu, ông lọc nước từ nguồn nước máy, nước hồ. "Sau này, tôi chợt nghĩ tại sao mình không thử với nước sông Tô Lịch. Ý tưởng ấy bị không ít người phản đối. Nhưng rồi tôi vẫn thử" - PGS Trần Hồng Côn chia sẻ.
Để kiểm chứng, PGS.TS Trần Hồng Côn, khi ấy đã lấy hai chai nước, trong đó một chai là nước sông đã qua lọc, chai còn lại là nước đóng chai của một hãng uy tín và gửi đi kiểm tra. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đều khẳng định mẫu nước lọc từ sông đạt chỉ tiêu an toàn, không có vi khuẩn và vẫn giữ lại những chất cần thiết cho sức khỏe con người. Khi công trình được công bố, nhiều người đã gặp ông để tìm hiểu thêm và không khỏi nghi ngờ, thậm chí cho rằng điều đó là hoang đường. "Tôi đã ra bờ sông lấy nước cho vào hệ thống lọc và uống trước sự chứng kiến của nhiều người. Lúc đó, mọi người đều ồ lên vì bất ngờ, kinh ngạc, xóa tan mối nghi ngờ trước đó. Nhiều người vì thế đã muốn uống thử" - PGS Trần Hồng Côn hồi tưởng.
Đến nay, chiếc máy lọc nước đã được cải tiến cho nhỏ gọn, tiện lợi hơn, với giá thành chưa đầy 3 triệu đồng/chiếc. PGS.TS Trần Hồng Côn bộc bạch: "Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu được ủng hộ từ thiện để giúp đỡ người dân vùng có nước bị ô nhiễm yên tâm trong việc sử dụng nước phục vụ sinh hoạt. Ý nghĩa lớn lao, có giá trị nhất với tôi là đã thực sự được đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho việc bảo đảm an toàn sức khỏe của con người”.
Thống Nhất