logo

Trả lại sự tinh khiết cho nước sông Tô Lịch

(PLO) -Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước đã và đang ngày càng nghiêm trọng. 

Trả lại sự tinh khiết cho nước sông Tô Lịch

Nhiều sông, hồ trên địa bàn Hà Nội ô nhiễm nặng, cần cải tạo, “giải cứu”.

Theo thống kê, mỗi ngày có hơn 2 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý tại các khu công nghiệp xả thẳng ra môi trường. Ô nhiễm nguồn nước cũng là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 9.000 người mỗi năm, cùng với đó là tình trạng gia tăng các căn bệnh ung thư. 

Trước thực trạng nguồn nước ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng, mới đây trên mạng xã hội lưu truyền clip lọc nước sông Tô Lịch và uống trực tiếp. Nhiều người kỳ vọng, cách xử lý nước bẩn thành nước uống như trên nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ là phương pháp “cứu cánh”, giúp tái sử dụng nguồn nước hiệu quả. 

Người dân khát nước sạch

Trong báo cáo được công bố nhân “Ngày nước thế giới” mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp và 615 cụm công nghiệp, trong đó tổng lượng nước thải xả ra khoảng hơn 2 triệu m3/ngày đêm.

Với 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.

Ở Hà Nội, số liệu quan trắc mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, chất lượng nước trên các sông nội đô như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ... đều trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Hàm lượng amoni, coliform, phốt phát tồn tại trong nước đều vượt quy chuẩn cho phép. Thực trạng trên dẫn đến hệ lụy là, nhiều khu vực lâm vào cảnh lao đao vì thừa nước bẩn nhưng thiếu nước sạch.

Hoàn cảnh của hơn 1.000 hộ dân ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì là một ví dụ. Theo đó, suốt nhiều năm nay, người dân thôn Vĩnh Ninh vẫn phải ăn uống, sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan ô nhiễm dù đã được cơ quan chức năng “khuyến cáo không sử dụng”. Nghịch lý ở chỗ, trong khi người dân “khát” nước sạch thì hệ thống mạng lưới ống cấp nước sạch xã Vĩnh Quỳnh được đầu tư từ năm 1997 đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Tương tự, tại một số địa phương nằm ngay sát ven sông như Cự Khê (Thanh Oai), Tiền Phong (Thường Tín), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Đông Lỗ (Ứng Hòa)… chất lượng nước qua kiểm tra đều cho thấy không đạt tiêu chuẩn. Nhiều mẫu nước lấy từ giếng khoan với độ sâu 40-50m vẫn có mùi hôi... 

Biến nước sông thành tinh khiết

Khách quan nhìn nhận, để giải quyết vấn đề nước sạch, những năm qua Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều mô hình hay trong công tác làm sạch, giữ gìn nguồn nước. Mô hình cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm nước tại quận Nam Từ Liêm là một ví dụ.

Theo đó, sau nhiều tháng triển khai, mô hình này bước đầu đã ghi nhận kết quả tích cực. Nhiều khu vực ao hồ thuộc địa bàn Nam Từ Liêm đã được xử lý ô nhiễm, trả lại vẻ đẹp trong lành. Còn người dân sống trong khu vực cũng đã nâng cao ý thức, họ quan tâm, cùng góp sức bảo vệ môi trường, cảnh quan. 

Hoặc mới đây, việc phát minh máy lọc nước sông thành tinh khiết của PGS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng được dư luận kỳ vọng như giải pháp “cứu cánh” tích cực, giúp tái chế nguồn nước thải hiệu quả.

Để chứng minh tính ưu việt của máy lọc, PGS Trần Hồng Côn đã nhiều lần thí điểm trực quan qua nước sông Tô Lịch - con sông từ lâu được xem là “điểm đen” ô nhiễm do phải hứng hàng ngàn mét khối nước thải sinh hoạt.

Từ nhiều năm qua, dù thành phố triển khai nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm nhưng tình hình sông Tô Lịch vẫn không mấy được cải thiện. Để “giải cứu” sông Tô Lịch, hàng chục hội thảo, đề án nghiên cứu đã được tổ chức, nhưng dường như tất cả vẫn dừng lại ở… ngõ cụt.

Theo PGS Trần Hồng Côn, qua hơn 40 năm gắn bó với Khoa Hóa, bản thân ông luôn đau đáu việc làm thế nào để đem lại nguồn nước sạch nhất cho người dân. Bởi vậy, mục đích của ông khi bắt tay nghiên cứu công nghệ lọc nước này là nhằm giúp những người dân sống ở những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, những nơi bị lũ lụt có đủ nước sạch để ăn uống...

Lý giải những ưu điểm nổi bật về sản phẩm lọc có thể biến nguồn nước ô nhiễm như Tô Lịch tái sử dụng, PGS Trần Hồng Côn cho biết đó hoàn toàn là nhờ công nghệ hấp thu chọn lọc.

Theo đó, nguồn nước ô nhiễm được lọc qua thiết bị này có thể giữ được những khoáng chất cần thiết với hàm lượng có lợi cho cơ thể. Máy lọc dựa trên 3 hệ thống: công nghệ hấp phụ chọn lọc, công nghệ xử lý amoni, các chất hữu cơ và công nghệ diệt khuẩn bằng nano bạc. Máy có thể tái tạo gần 10 lít nước tinh khiết sau một giờ đồng hồ lọc. Ngoài ra nó không cần phải sử dụng điện năng và rất thân thiện với môi trường vì có chu trình khép kín không thải nước độc ra môi trường.

Công nghệ mang nhiều ưu điểm là vậy, song khi bàn tới hướng nhân rộng đại trà, PGS Trần Hồng Côn không giấu nổi băn khoăn: “Chúng tôi đã dùng thiết bị mới thử nghiệm lọc nước sông Tô Lịch rồi gửi mẫu cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phân tích. Kết quả nước đó sạch hoàn toàn, có thể uống trực tiếp.

Tuy nhiên, do chúng tôi chỉ quen làm khoa học chứ không quen kinh doanh nên mỗi tháng, chỉ làm chừng 2.000-3.000 bộ, không có đầu tư để phát triển thêm và cũng không biết làm sao để mở rộng sản xuất”.

Có thể khẳng định, việc tái sử dụng nước sẽ góp phần đa dạng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho ngành cấp nước, vừa tận dụng nguồn tài nguyên nước ngọt. Và để việc khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ phát triển nguồn nước.