logo

ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU- NGƯỜI CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN LÀM CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cụ nội đồng chí là cụ đốc nam Tô Ngọc Nữu, nguyên đốc học Nam Định. Khi Tự Đức ký hiệp định đầu hàng Pháp, cụ từ chức về nhà dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, sau này là ông ngoại các đồng chí. Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong tước tán tương quân vụ, là một lãnh tụ rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy – Hưng Yên do cụ Nguyễn Thiện Thuật tức Tán Thuật lãnh đạo. Cụ bà Ngô Thị Lý – con gái danh tướng Ngô Quang Huy – thân mẫu của các đồng chí được nhân dân địa phương kính trọng vì lòng yêu nước quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, năm 2014 đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt và phong phú, đồng chí Tô Hiệu đã rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo cán bộ, nâng cao dân trí, giác ngộ lòng yêu nước, tinh thần cách mạng trong quần chúng.

- Năm 1934 sau khi mãn hạn tù Côn Đảo về, đồng chí bị thực dân Pháp quản thúc tại quê hương Xuân Cầu. Không chấp nhận sự bao vây phong tỏa của kẻ thù, đồng chí đã cùng với một số đồng chí trung kiên tích cực khác khôi phục lại xứ ủy Bắc Kỳ, phát động cao trào Mặt trận Dân chủ Đông dương những năm 1936-1938. Với cương vị là ủy viên thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện, đồng chí cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Xứ ủy cử lãnh đạo hội truyền bá quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm chủ tịch. Đây là một tổ chức xã hội hoạt động rầm rộ, được đông đảo nhân sỹ trí thức và các nhà hảo tâm ủng hộ nhằm xóa nạn mù chữ, nhất là đối với người nghèo. Đồng chí đã bố trí ông Quảng Xuân Nam, người thôn Phúc Thọ, xã Xuân Cầu, Văn Giang (nay là xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang) làm tổng thư ký Hội truyền bá quốc ngữ.

Đồng thời đồng chí rất quan tâm đến phong trào cách mạng tại quê nhà. Đồng chí đã lập ra các hội chơi cờ tướng, hội thể thao bóng chuyền để tập hợp quần chúng; đặc biệt đồng chí đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ tại đền Quan Công trong khuôn viên nhà mình. Đỉnh cao của hoạt động sáng tạo nhằm tập hợp quần chúng nâng cao dân trí là việc đồng chí vận động dân làng xây dựng trường kiêm bị Xuân Cầu – tương đương trường tiểu học bây giờ để dạy dỗ cho con em trong xã Xuân Cầu và trong vùng.

Bây giờ mỗi xã có một trường tiểu học là chuyện bình thường, nhưng trước 1945 mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học nên riêng xã Xuân Cầu có một trường tiểu học là cả một sự kiện lớn trong vùng. Bà con trong thôn xã rất tự hào và phấn khởi nên đã tích cực đóng góp sức người sức của vào công việc xây dựng trường. Đồng chí Tô Hiệu đã đề ra khẩu hiệu:

 “Kẻ góp của, người góp công

Mong sao trường học chóng xong

Tinh thần đoàn kết muôn năm”

Những thanh niên trí thức của Xuân Cầu đang học tập và làm việc tại Hà Nội ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật cũng đạp xe về tham gia lao động xây dựng trường.

- Mùa thu năm 1938, trường kiêm bị Xuân Cầu được khánh thành trong niềm phấn khởi to lớn của phụ huynh và học sinh. Viên công sứ Bắc Ninh (trước 1947, Văn Giang thuộc Bắc Ninh) mặc dù biết những người cộng sản đứng sau việc xây dựng trường, vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt về dự lễ khánh thành trường. Nhờ có trường học này mà hàng chục, hàng trăm học sinh trong vùng lần đầu tiên được cắp sách đến trường. Ở vào tuổi xấp xỉ 90, những người phụ nữ Xuân Cầu như bà Nguyễn Thị Phượng, Bà Đặng Thị Cam (thân mẫu của thượng tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm) khi còn sống thường nói: nhờ có anh Tô Hiệu thì phụ nữ chúng tôi mới được đi học (trước cách mạng tháng Tám, người phụ nữ nông thôn thường không được đi học). Sau Cách mạng tháng Tám trường học này được đổi tên thành “Tô Hiệu học đường” và nay là trường tiểu học Tô Hiệu xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

- Trong thời gian 1938-1939 làm bí thư thành ủy Hải Phòng, đồng chí đã đưa phong trào cách mạng ở đây lên rất cao, đồng thời phát hiện đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc của đảng như các đồng chí Nguyễn Thanh Bình (nguyên thường trực Ban Bí thư), Hoàng Ngân (nguyên Chủ tịch đầu tiên của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Ngô Minh Loan (nguyên Bộ trưởng Lương thực thực phẩm), Trung tướng Hoàng Minh Đạo (Anh hùng lực lượng vũ trang, Trưởng phòng tình báo đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu), Trương Thị Mỹ (nguyên Phó chủ tịch Tổng công đoàn), Trung tướng Đặng Kinh (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN) …

- Tháng 12/1939, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và đày đi giam cầm tại nhà ngục Sơn La. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn hà khắc của nhà tù, với cương vị là bí thư chi bộ đồng chí đã cùng chi ủy nhà tù chủ trương “biến nhà tù thành trường học”: những người tù cách mạng đã được tham gia các lớp học không chỉ về chính trị mà còn được học văn hóa, ngoại ngữ, quân sự, tổ chức nhà nước. Chính nhờ các lớp đào tạo này, mà khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, hàng trăm cán bộ vốn bị giam giữ tại nhà tù Sơn La đã nhanh chóng, không bỡ ngỡ làm quen ngay với các vị trí lãnh đạo ở các ngành trung ương cũng như ở các tỉnh và các địa phương như các đồng chí Văn Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Tùng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Mai Chí Thọ ... Đồng chí Hoàng Tùng, nguyên bí thư trung ương Đảng, nguyên trưởng ban tuyên giáo trung ương đã viết: “Tô Hiệu là người lãnh đạo chủ yếu, nhà giáo dục chủ yếu, tấm gương lớn của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La những năm 1940-1944” (sách “Tinh thần Tô Hiệu” trang 48, NXB Thời Đại xuất bản năm 2014)

Viết đến đây, tôi xúc động nhớ lại những phát biểu chân tình của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư tại lễ tưởng niệm 60 năm ngày hy sinh của liệt sỹ Tô Hiệu ngày 07/03/2004:

“Hôm nay tôi dự ngày giỗ lần thứ 60, cho phép tôi được bộc lộ tình cảm với anh trên hai vị trí:

Được anh giáo dục, bồi dưỡng, tổ chức vào Đảng với những bài học cá biệt đã soi sáng, hướng dẫn hành động tôi suốt cuộc đời cách mạng. Hôm nay, tôi có thể báo với anh tôi đã thực hiện trọn đời những điều giáo dục của anh trong buổi đầu cách mạng.

Từ vị trí người tù Sơn La, bạn tù Sơn La được anh lãnh đạo giáo dục trực tiếp, chúng tôi có thể tự hào:

Mặc dù anh mất trước Cách mạng tháng Tám, những người bạn tù Sơn La của anh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ cùng với những kiến thức và kinh nghiệm trong nhà tù, những người tù Sơn La đã thay anh đóng góp xứng đáng vào thành quả Cách mạng tháng Tám – xây dựng đất nước, đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc yêu quý của chúng ta.

Xin báo cáo với linh hồn của anh Tô Hiệu”

(Sách “Tinh thần Tô Hiệu” trang 331-332, NXB Thời Đại xuất bản năm 2014)

Text Box: Quang cảnh lễ khánh thành trường Kiêm bị Xuân Cầu do đồng chí Tô Hiệu vận động dân làng xây dựng năm 1938

HOÀNG VĂN THỊNH

Nguyên ủy viên thường vụ tỉnh ủy Hưng Yên

Ủy viên BCH Hội khuyến học Việt Nam

Chủ tịch Hội khuyến học Hưng Yên