logo

Trao học bổng tại Lễ kỷ niệm 80 năm Thành lập trường Tiểu học Tô Hiệu (1938-2018) huyện Văn Giang

   Ngày 18/11/2018, Trường tiểu học Tô Hiệu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang-Hưng Yên) kỷ niệm 80 năm thành lập (1938-2018). Về dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Văn Giang, lãnh đạo xã Nghĩa Trụ, đại diện gia đình Liệt sỹ Tô Hiệu, Viện lịch sử Đảng-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tập thể cán bộ, giáo viên trường tiểu học Tô Hiệu, các thể hệ giáo viên, học sinh của nhà trường; nhiều người là con em quê hương Văn Giang công tác ở mọi miền đất nước…Đại diện Hội Khuyến học tỉnh, Bảo Việt Hung Yên, Hội Khuyến học huyện Văn Giang về dự. Báo cáo tại Lễ kỷ niệm do cô giáo Cao Thị Kim Chinh, Bí thư chị bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã điểm lại chặng đường lịch sử  80 năm xây dựng và trưởng thành của Trường Tiểu học Tô Hiệu. Tiền thân là Trường Kiêm bị Xuân Cầu trước đây, do đồng chí Tô Hiệu khởi sướng xây dựng trong bối cảnh đất nước còn chìm trong màn đêm nô lệ của chế độ thực dân phong kiến. Trước 1945 mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học chỉ để dành cho con em các tầng lớp trên đến học, thì xã Xuân Cầu bấy giờ có một trường tiểu học cho con em nhà nghèo đến học là cả một sự kiện lớn trong vùng. Bà con trong thôn xã rất tự hào và phấn khởi nên đã tích cực đóng góp sức người sức của vào công việc xây dựng trường.

- Mùa thu năm 1938, trường kiêm bị Xuân Cầu được khánh thành trong niềm phấn khởi to lớn của phụ huynh và học sinh. Viên công sứ Bắc Ninh (trước 1947, Văn Giang thuộc Bắc Ninh) mặc dù biết những người cộng sản đứng sau việc xây dựng trường, vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt về dự lễ khánh thành trường. Nhờ có trường học này mà hàng chục, hàng trăm học sinh trong vùng lần đầu tiên được cắp sách đến trường. Ở vào tuổi xấp xỉ 90, những người phụ nữ Xuân Cầu như bà Nguyễn Thị Phượng, Bà Đặng Thị Cam (thân mẫu của thượng tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm) khi còn sống thường nói: nhờ có anh Tô Hiệu thì phụ nữ chúng tôi mới được đi học (trước Cách mạng tháng Tám, người phụ nữ nông thôn thường không được đi học). Sau Cách mạng tháng Tám trường được đổi tên thành “Tô Hiệu học đường”. Để ghi nhớ công lao và học tập tấm gương hy sinh oanh liệt của Liệt sỹ Tô Hiệu, thể theo nguyện vọng của cán bộ, giáo viên và nhân dân địa phương, ngày 24/8/2000, UBND huyện Văn Giang đồng ý cho trường được mang tên trường Tiểu học Tô Hiệu cho đến ngày nay.

Trải qua chặng đường 80 năm, hàng ngàn thế hệ giáo viên và học sinh đã giảng dạy và học tập tại mái trường này. Trong số đó có nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương và địa phương. Có người trở thành nhà khoa học như:Tiến sỹ Bác sỹ Hoàng Thanh Tùng, Viện Quân y 108 Hà Nội; Giáo sư Tiến sỹ Tô Vu,-Trưởng khoa môn địa chất công trình Đại học mỏ Hà Nội; Tiến sỹ Tô Ánh Dương- Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tiến sỹ Hoàng Bằng An- Trưởng khoa Kinh tế- Viện rau quả Trung ương. Có người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, điển hình như đồng chí Tô Quyền, Đại tá Đào Văn Vinh…

 Tại Lễ kỷ niệm, Hội Khuyến học tỉnh trao 40 xuất học bổng Tô Hiệu Hưng Yên cho học sinh của 2 trưởng:Trường Tiểu học Tô Hiệu - Văn Giang 20 xuất, trường Trung học cơ sở xã Nghĩa Trụ - Văn Giang 20 xuất. Mỗi xuất trị giá 1 triệu đồng. Tổng cộng 40 triệu đồng. Hội Khuyến học huyện Văn Giang trao 80 xuất học bổng cho 80 học sinh của huyện, mỗi xuất trị giá 500.000 đồng. Tổng cộng 40 triệu đồng. Lễ kỷ niệm thành công và chương trình trao học bổng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho giáo viên, học sinh và các đại biểu về dự, cũng như những người quan tâm tới sự kiện này./.

Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Trưởng tiểu học Tô Hiệu (1938-2018) huyện Văn Giang-Hưng Yên

 

(Tin và Ảnh: Nguyễn Văn Đông. HKH tỉnh)